Góc chia sẻ

Những góc nhìn khác nhau về tình trạng doanh nghiệp

22/11/2013

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 21-10. Ảnh chinhphu.vn.

 

Các đại biểu Quốc hội tỏ ra rất lo lắng về tình trạng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại kỳ họp thứ 6 khai mạc sáng nay, 21-10.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nói: "Tình trạng các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm công suất, hoạt động cầm chừng vẫn kéo dài đến nay".

Tổng số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là 60.438 doanh nghiệp, cao gần bằng với khoảng 64.906 doanh nghiệp là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại vào trong 8 tháng đầu năm 2013.

Các doanh nghiệp hiện đang hoạt động vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính trong quí 2-2013, số doanh nghiệp kê khai lỗ chiếm gần 66% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai với tổng số lỗ tăng 7,5% so với quí 1-2013 và tăng 11,9% so với bình quân quí của năm 2012. Trong 6 tháng đầu năm có đến 79% doanh nghiệp kê khai thuế GTGT nhưng không phát sinh thuế phải nộp.

Trích dẫn số lao động đăng ký thất nghiệp lên tới gần 283.000 người trong 7 tháng đầu năm nay, gần tương đương với 295.000 người cùng kỳ năm ngoái, ông Giàu nói: "Có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm và thu ngân sách nhà nước".

Những số liệu đẹp

Tuy nhiên, những lo ngại như trên không được thể hiện trong bản báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội. Hơn nữa, những số liệu liên quan đến doanh nghiệp trong báo cáo của Chính phủ lại cho thấy cách nhìn lạc quan hơn là lo lắng của Quốc hội.

Đọc báo cáo sáng 21-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện". Ông cho biết, bằng chứng là vốn FDI đăng ký tăng hơn 36%, vốn FDI thực hiện tăng 6,4% trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, vốn FDI đăng ký mới và thực hiện năm sau cao hơn năm trước, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đã tập trung hơn vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành trong 9 tháng đầu năm nay tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3%.

Hơn nữa, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm mạnh so với đầu năm, tại thời điểm 1-9-2013 tăng 9,3% so với mức tăng 21,5% tại thời điểm 1-1-2013..

Báo cáo của Chính phủ cho biết thêm về tình trạng của doanh nghiệp thông qua các kết quả xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng khá cao, ước đạt 96,5 tỉ đô la, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu phục hồi, ước đạt 32,5 tỉ đô la, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2012 . Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 58,4 tỉ đô la, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 60,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đến hết tháng 9-2013, ước tính có 20 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ đô la.

Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ trong 9 tháng đầu năm ước đạt 6,25% so với cùng kỳ năm 2012 (cùng kỳ năm 2012 tăng 5,66%).

Đến cuối tháng 9-2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,3% so với cuối năm 2012. Dự kiến, tăng trưởng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2013 ở mức khoảng 12% so với cuối năm 2012.

Thu ngân sách giảm nên phải tăng bội chi

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP đang giảm. Năm 2011, tỷ lệ huy động này là 25,1%, năm 2012 là 22,3% và ước thực hiện năm 2013 là 20,5%.

Trong hai năm 2014 và 2015, tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách trên GDP dự kiến giảm hơn do từ 1-1-2014, thuế suất phổ thông đối với thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm từ 25% xuống 22%. Do đó, chỉ tiêu này sẽ đạt thấp hơn kế hoạch là 22-23% GDP.

Thu ngân sách giảm tuy đang gây ra nhiều khó khăn cho việc cân đối ngân sách nhưng trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thì việc giảm thu ngân sách, đặc biệt là các loại thuế và phí là cần thiết, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.

Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ lo ngại, bội chi ngân sách nhà nước sẽ tăng lên do hệ quả của tình trạng trên.

Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2011 ở mức khoảng 4,9% GDP, năm 2012 là 4,8% GDP, năm 2013 ước thực hiện là 5,3% GDP. Dự kiến đến năm 2015 chỉ tiêu này ở mức dưới 5,3% GDP, cao hơn mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch 5 năm là 4,5%

Xem thêm

  Mã BĐS :
  Loại BĐS :
  Phường / Xã :
  Hướng :
   Khoảng giá :

   Năm sinh   
   Giới tính   
   Hướng nhà