Góc chia sẻ

Tìm hiểu nhà ở nông thôn Nghệ An ngày nay

21/3/2014

Ngày đăng tin : 1/25/2014Nhà ở có một vai trò rất quan trọng đối với đời sống mỗi người. Nhà ở không chỉ là nơi che nắng, che mưa mà còn là bảo vệ con người trước những thay đổi của thiên nhiên, thời tiết và ngày xưa là cả thú rừng nữa. Đối với các tỉnh Bắc Trung bộ, trong đó có Nghệ An, ngôi nhà còn giúp con người chống chọi với những trận bão lụt về mùa mưa, những đợt nắng nóng khốc liệt về mùa hè... Không những thế, ngôi nhà còn là mái ấm gìn giữ văn hóa truyền thống, tình cảm gia đình, nơi nuôi dưỡng những tâm hồn, những ước mơ... Đã có những bài viết đề cập đến không gian khu nhà ở của người nông dân, cấu trúc truyền thống của nhà nông thôn... Ở đây chúng tôi muốn đi sâu hơn, tìm hiểu về cấu tạo các bộ phận và quá trình xây dựng của một ngôi nhà nông thôn ngày xưa mà chủ yếu là ở các huyện đồng bằng, trung du Nghệ An. Nơi đây từ xưa có câu tục ngữ: Nhà chữ đinh, đình tứ trụ đã phần nào nói lên kiểu nhà ở chủ yếu là nhà chữ đinh. Sau này mới có thêm nhà tứ trụ và nhà hạ.

1. Các kiểu nhà

1.1. Nhà chữ đinh

Trước hết cần có khái niệm về một vì nhà. Vì là một bộ phận gồm cột, văng, kèo, cánh quả… đứng đỡ các đường hoành giữa hai gian. Trong đó cánh quả là đường song song với văng, dài khoảng 1/2 văng hai đầu đỡ kèo, còn cột đứng trên các hòn đá tảng. Đối với nhà chữ đinh, mỗi vì có ba cột: một cột cái ở giữa và hai cột quân ở hai bên. Phía trên, cột được kết nối với văng và kèo bằng các con xỏ tròn.

Trong thực tế thì chỉ các vì ở đầu hồi nhà hoặc vì ngăn cách giữa nhà trong (hoặc buồng) với nhà ngoài mới có cột cái, còn các vì khác để đỡ vướng trong sinh hoạt, người ta giảm bớt cột bằng cách thay cột cái bằng cột trụ đặt lên trên các đấu. Đấu là một mảnh gỗ dày hình chữ nhật được đặt lên văng để đỡ cột trụ(1). Đứng giữa gian nhà, nhìn lên một vì, phía trong tam giác do kèo và văng tạo ra có: cột trụ, cánh quả và đấu tạo thành một chữ “đinh” là một chữ Hán, nên có tên gọi là nhà chữ đinh.

Với nhà chữ đinh, mỗi vì kèo có bốn lỉa (bốn chiếc) gọi là bộ kèo hộp hay kèo cưa. Phía trên nóc, bốn lỉa kèo được liên kết với nhau bằng một con xỏ đặc biệt ở giữa vuông, hai bên tròn để cố định 4 lỉa kèo, gọi là giằng xay. Phía trên giằng xay là đường thượng ốc (đòn dông) được vít chặt với kèo qua giằng xay.

Các đường xà vuông góc với văng được sàm, tức là đục mộng lắp vào các đầu cột ở các vì. Với nhà chữ đinh, mỗi gian có 3 đường xà: đường trên cao nối hai cột trụ gọi là xà thượng, hai đường dưới nối hai cột quân gọi là xà hạ.

Còn trên mái thì các vì liên kết với nhau ở trên cùng là đường thượng ốc, trên các cột quân, cột cái (trụ) là đường phủ đầu, dưới đuôi các lá kèo là đường lá mái, phía trên lá mái có một đường hoành thẳng được đóng đầu tiên gọi là đường tàu. Người thợ lấy mặt bằng của mái nhà qua đường tàu và thượng ốc. Các đường hoành khác chia đều khoảng cách nằm giữa các đường nói trên để đỡ rui. Các thanh rui được đặt vuông góc với các đường hoành có độ dài từ đường lá mái lên đến thượng ốc. Người ta dùng đinh để đóng rui vào các đường hoành và nẹp rui vào hoành bằng các đường nẹp.

Nếu nhà lợp bằng tranh đường nẹp gọi là đường cáp cói. Người ta dùng lát tre dài để nẹp rui vào hoành. Tranh được buộc vào các thanh rui bằng lạt ngắn giang hoặc tre còn non, một đầu được mứt nhọn.

Còn với nhà lợp bằng ngói thì đường nẹp là các đường mè. Ngày xưa, nhà ngói chủ yếu lợp bằng ngói vảy gồm hai loại: ngói âm và ngói dương. Nếu nhà chỉ lợp ngói dương, không có ngói âm thì ngói dương khi đúc đã có khấc được ngoắc vào các đường mè rải. Các đường mè rải được đóng bằng đinh dày, đường này cách đường kia bằng khoảng cách giữa hai hàng ngói (từ 12 - 15 cm).

Còn khi nhà được lợp bằng ngói âm dương thì các đường mè gọi là mè đón. Mè đón để nẹp rui vào hoành và cũng là để chặn giữ ngói âm. Trên một mái nhà người ta chỉ đóng mè đón ở một số đường hoành, thường thì cách một đường hoành đóng một đường. Khoảng cách giữa các đường mè đón phải tính làm sao cho khi đặt các viên ngói âm liên tiếp nhiều hàng vào thì vừa khít, không chồng lên nhau và đường mè đón phải nằm khuất trên đường hoành, để khi lợp xong, ở dưới nhìn lên không thấy được mè. Khi đúc các viên ngói âm người ta đã làm khấc ở giữa viên để khi lợp khấc ở viên ngói dương được ngoắc vào khấc ngói âm nhằm giữ cho ngói dương khỏi tuột xuống. Mặt khác các viên ngói dương chồng lên nhau sao cho dòng nước chảy theo mũi viên ngói hàng trên đổ vào giữa viên nằm ở hàng dưới.

Trường hợp nhà chưa có điều kiện xây bờ tường mà xung quanh phải che bằng ván gỗ, thưng phên hay trát phên đất thì ở các đuôi kèo còn có một hàng cột xái để làm chỗ dựa cho các bờ phên. Để che mưa, gió, hai đầu nhà cũng phải làm hồi văn hoặc làm tạm bằng hồi tre và lợp tranh.

Ưu điểm của nhà chữ đinh là tiết kiệm được gỗ, dễ lấy mực, dễ làm và tận dụng được các loại nguyên vật liệu. Có thể làm một ngôi nhà hoàn toàn bằng tre, mét theo kiểu nhà chữ đinh mà không sử dụng một thanh gỗ nào. Nếu khi làm nhà mà gia chủ chưa có điều kiện sắm đủ gỗ thì cột, văng, xà được làm bằng gỗ (thường gọi là khung mươn) các bộ phận khác như kèo, hoành, rui… được thay bằng tre hoặc mét. Sau một số năm khi có điều kiện, kết hợp lợp nhà, các bộ phận trên được thay bằng gỗ thì khung mươn nhà vẫn được giữ nguyên.

1.2. Nhà tứ trụ

Với nhà tứ trụ thì mỗi vì có hai cột cái và hai cột quân. Cột cái đỡ kèo ở hai đầu cánh quả. Như vậy ở một vì đầy đủ có hai cột cái, văng cắt ra làm ba khúc sàm vào bốn cột. Những vì không phải là đầu hồi hay ngăn cách giữa nhà ngoài và nhà trong, để khỏi vướng, người ta thay hai cột cái bằng hai cột trụ đặt lên hai cái đấu, nằm trên văng suốt. Như vậy mỗi gian hai vì có bốn cột trụ nên có tên là “tứ trụ” (tức là bốn cột trụ). Ở nhà tứ trụ, mỗi gian có hai xà thượng nối các cột trụ với nhau và hai xà hạ nối các cột quân.

Ưu điểm của nhà tứ trụ là cân đối, dễ trang trí, nhìn đẹp hơn. Bởi vậy các đình, đền chùa, nhà thờ… thường làm theo kiểu nhà tứ trụ. Với loại nhà này, bốn lỉa kèo hộp ở nhà chữ đinh được thay bằng hai đường gọi là giao nguyên hay dò nguyên. Cũng có vùng như Quỳnh Lưu, Diễn Châu... gọi là kèo xông. Như vậy trong nhà chữ đinh các đường hoành được gác lên các lá (lỉa) kèo thì ở nhà tứ trụ hoành được gác lên các đường dò nguyên có độ dày gấp hai ba lỉa kèo.

Với độ dày như thế, trên các đường dò nguyên người ta thường đục các đường huỳnh chỉ chạy song song với mép để tăng thêm mỹ quan. Việc lấy mực ở nhà tứ trụ khó hơn, đòi hỏi độ chính xác cao hơn đối với các kiểu nhà khác. Cái khó đó được đúc kết trong câu: Thứ nhất quyết nghéo, thứ nhì kèo xông. Trong đó “kèo xông” là chỉ kèo dò nguyên khi làm nhà ở. Còn “quyết nghéo” là chỉ trường hợp làm đình chùa, nhà thờ... Khi làm loại nhà này, đường dò nguyên là những khúc gỗ dày được chia làm ba phần (ba khúc), hình dáng uốn lượn được chạm trổ hình rồng phượng, hoa lá, chim chóc cách điệu… lên đó nên gọi là nhà oai kẻ hay oai kẻ uốn lượn đòi hỏi trình độ thợ phải giỏi. Như vậy gỗ làm dò nguyên nhất là dò nguyên oai kẻ phải chọn gỗ tốt nhưng dễ chạm trổ như dổi, de, mít, đinh hương...

Tuy nhiên với dò nguyên thì phần gỗ của hoành gác lên dò nguyên không nhiều và đòi hỏi hoành phải thẳng (kén hoành) nên để các đường hoành có độ bám vào kèo nhiều hơn và tận dụng được các đường hoành không ngay thẳng, đối với nhà ở tứ trụ nhiều khi người ta vẫn lắp kèo hộp.

1.3. Nhà hạ

Đối với nhà hạ thì đường văng được thay bằng đường hạ chạy suốt từ gần mũi kèo mái trước ra mũi kèo mái sau, xuyên qua cả cột. Do đó cột nhà hạ phải to hơn, đường hạ thường thấp và dài hơn văng. Đồng thời hai cột quân chống đỡ lên kèo ở vị trí hai đầu đường hạ. Còn hai cột cái đỡ kèo ở vị trí hai đầu cánh quả mà đối với nhà hạ lại gọi là khấu. Như vậy đường khấu chạy song song với đường hạ nhưng thường là dài hơn đường cánh quả một ít.

Mỗi gian nhà hạ nếu đủ xà phải có năm đường: bốn đường xà thượng được sàm vào hai cột cái hoặc trụ, một xà hạ được sàm vào cột quân ở hàng sau gọi là xà tử, vì phía trước thường không có cột quân hoặc chỉ có ở các vì đầu hồi, mà đường hạ đâm thẳng ra đỡ đuôi kèo. Ở nhà hạ cột cái chỉ lắp ở hàng trước, còn hàng sau để cho nhà rộng người ta thường “trốn cột cái” tức là thay cột cái bằng cột trụ đặt lên các đấu mà các đấu này nằm trên các đường hạ.

Ưu điểm của nhà hạ là vững chắc, khả năng chống đỡ gió bão tốt hơn các loại nhà kể trên. Hơn nữa với các huyện miền núi và các làng xã vùng trên của các huyện miền xuôi, sẵn gỗ người ta thường bắc ván lên các đường hạ, không quá cao, tạo thành sàn hay nhà gác làm nơi cất giữ lương thực hoặc nơi ở của người và gia súc mỗi khi lụt lội, nhà bị ngập nước.

Nhược điểm của nhà hạ là tốn gỗ và đường hạ thấp khi ở cảm thấy vướng nên nhà thường phải cất cao hơn, cột phải dài hơn do đó nhà sẽ rộng hơn nên khu đất dựng nhà hạ thường phải đủ độ rộng.

Ngoài ra ở các huyện miền núi, trước đây do điều kiện sẵn gỗ và cũng là đề phòng thú rừng có thể vào nhà, nhất là ban đêm, đồng bào các dân tộc thiểu số thường làm nhà sàn để ở. Cột nhà sàn phải to và dài vì ngoài việc sàm văng và xà vào cột thì các đòn đỡ sàn đều đâm xuyên vào cột. Các nhà sàn ngày xưa cột cũng thường chôn xuống đất nên phải chọn loại gỗ tốt, chịu lực, lâu mục thuộc nhóm 2 như: lim, sến, táu, trai,... Nhà sàn được lợp bằng tranh nứa và dốc mái, so với tranh rạ hoặc tranh săng thì thời gian phải lợp lại, kéo dài gấp 3 - 4 lần nhưng số tranh nứa để lợp nhà sàn là rất nhiều, tốn nhiều công, nhiều nứa. Nhà sàn to và dài, sàn thường cao hơn mặt nền khoảng 2m nên để đi từ nền nhà lên sàn người ta thường bắc một cầu thang gỗ.

2. Một số vấn đề khác

2.1. Cấu trúc nhà

Theo quan niệm của người xưa thì: “Nhất gian cát, nhị gian hung, tam gian cát, tứ gian cùng”. Nghĩa là nếu làm nhà một gian, ba gian, năm gian hay bảy gian là tốt. Còn nhà hai gian hay bốn gian thì ở không tốt, khó làm ăn. Tức là việc làm nhà ngày xưa thường kiêng số chẵn, mà phổ biến nhất là nhà ba gian.

Mức độ to hay nhỏ của một ngôi nhà trước hết phụ thuộc vào độ dài của văng hay hạ vì độ dốc của mái thường chênh lệch nhau không nhiều từ 22 - 30 độ, còn nhà dài hay ngắn phụ thuộc vào số gian và chiều dài của xà. Độ dài này được tính từ tim cột của vì này đến tim cột của vì bên cạnh.

Cuộc sống con người luôn hướng về những điều phúc lợi, tránh những điều tai họa. Phải chăng vì thế, ngày xưa, người thợ mộc (và có khi cả gia chủ) thường lấy các kích thước làm nhà, nhất là cửa theo thước Lộ Ban(2). Người thợ thì tính toán theo thước Nam, một thước Nam bằng 0,4m (làm tròn từ số 0,408m). Thông thường nếu văng dài 8 thước tức là 3,2m thì nền nhà rộng khoảng 5m.

Trong các gian thì gian chính giữa là dài nhất, độ dài gian này thường là trên bảy thước Nam nên gọi là gian bảy. Ngày nay các thợ xây thường lấy chiều dài của gian từ 2,8m - 3,3m thì nhà ngày xưa gian thường chỉ dài khoảng từ 5 - 6 thước Nam, tức là từ 2,1m đến 2,41m. (Thường lấy lẻ theo thước Lộ Ban thuộc những cung có lợi). Gian nhà ngày xưa thường ngắn bởi vì sợ lâu ngày các đường hoành võng xuống tạo nên những chỗ trũng trên mái, làm nhà dột, nhất là nhà tranh. Mặt khác theo quan niệm của người xưa thì: “Giường bốn thước hai, quan tài bốn thước năm”, nghĩa là chiều dài của giường chưa đầy 1,7m, gian chỉ cần đặt lọt giường là được.

2.2. Đất và hướng nhà

Ngày xưa đất rộng, người còn ít nên việc chọn đất làm nhà là có điều kiện. Ngoài việc tìm nơi bằng phẳng, cao ráo, thoáng mát, tiện đường đi lại còn phải quan tâm đến phong thủy và việc lựa chọn cũng có nhiều điều kiêng kỵ. Chẳng hạn nhà không nên ở cạnh đền miếu, không nên ở gần nghĩa địa, không nên ở gần ngã ba đường. Ngoài ra không có đường độc đạo đâm thẳng vào nhà, trước nhà không có núi che khuất, không có hầm cống án ngữ, không có cây chết róc (chết khô).

Trong dân gian có câu: Hỏi vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam. Như vậy nếu có điều kiện thì nhà ở theo hướng Nam là tốt nhất vì về mùa hè vừa tránh được ánh nắng buổi sáng vừa tránh được ánh nắng buổi chiều, đón được gió Nam và về mùa đông thì tránh được gió bấc.

Trong những trường hợp không thuận lợi, người ta thường chọn hướng Đông Nam, hướng Đông Bắc hoặc hướng Đông. Cá biệt lắm mới phải ở hướng Tây.

Trong dân gian ngày xưa cũng có câu: Nhà quý đinh, đình chí ngọ nhắc nhở người ta rằng khi lấy hướng đình (cả đền, chùa) thì phải lấy chính hướng như chính Nam, chính Đông... Còn nhà ở thì dầu ở theo hướng nào cũng phải lấy lệch đi một ít độ, không lấy chính hướng.

Việc mở cổng nhà cũng phải được coi trọng. Điều kiêng kỵ đầu tiên là cổng không được đi thẳng vào giữa gian bảy và gian đặt bàn thờ. Trường hợp phải mở cổng hướng đó thì có thể mở đối diện với một vì kèo hoặc xế sang các gian bên cũng tạm được. Có nơi còn quan niệm trước cổng, không được trồng cây to, họ cho như vậy là “hung”, không tốt vì khí dương khó vào nhà và khí âm khó thoát ra.

2.3. Các lễ khi làm nhà

Trước tiên phải nhớ là năm làm nhà phụ thuộc vào tuổi của chủ hộ. Hướng nhà cũng phụ thuộc vào năm làm: năm chẵn được hướng Đông - Tây, năm lẻ (như 2013) được hướng Bắc - Nam. Ngày xưa khi làm nhà có nhiều lễ, ở đây chỉ nêu các lễ chính:

a) Lễ bình cơ: với quan niệm là Đất có thổ công, sông có hà bá nên trước khi làm nhà, gia chủ phải có lễ xin phép thổ thần. Cũng như các lễ khác, phải nhờ thầy địa lý hay thầy cúng chọn ngày lành tháng tốt, giờ tốt để làm lễ. Trong lễ này gia chủ chỉ cần đem lễ vật cúng (cau trầu, rượu, hoa quả, bánh trái) đặt lên bàn, nơi mảnh đất dự định làm nhà thắp hương khấn thổ thần. Xong đó thì dọn dẹp sạch sẽ rồi mới mời thợ đến. Sau này nhiều nơi kết hợp lễ bình cơ với lễ phát mộc làm một.

b) Lễ phát mộc đối với nhà gỗ hay lễ động thổ đối với nhà xây.

Lễ cúng thường là cỗ xôi gà, có nơi làm hai cỗ: một đem cúng ông bà cha mẹ và thổ thần, một để cúng tổ sư thợ mộc. Nếu khó khăn thì đơn giản hơn, chủ nhà chỉ cần có trầu cau, hương rượu hoặc thêm một đĩa hoa quả bánh trái hay mâm ngũ quả đặt lên một cái bàn trong khu vực nền nhà để thắp hương, khấn thổ thần cầu mong sự phù hộ cho quá trình làm nhà mọi chuyện suôn sẻ, gặp nhiều thuận lợi.

Ngày xưa với lễ phát mộc, sau khi cúng xong, ông phó (hay thợ cả, người đứng đầu toán thợ) phải chít khăn đỏ trên đầu, dùng rìu đẽo vào một cây cột đã cắt bằng một đầu, cùng với động tác hai tay bổ rìu vào cột, miệng ông đọc những câu khấn cầu nguyện cho sự bình an... Sau lễ phát mộc, ông phó phải làm sào mực hay “lên rui mực” (tức là xác định kích thước ngôi nhà ghi và đánh dấu vào một thanh rui thẳng). Còn trong lễ động thổ thì sau khi cúng xong, ông phó và chủ nhà cùng dùng cuốc, thuổng... đào móng nhà ở một góc nào đó.

Ngoài lễ phát mộc hay động thổ được coi là quan trọng nhất, trong quá trình làm đối với nhà gỗ còn có “tam lễ” cũng phải kén chọn ngày giờ chu đáo là: Thượng lương, Thảo trụ, Yên tảng. Trong đó thượng lương là đặt đường thượng ốc, thảo trụ là đặt đấu để kê trụ và yên tảng là lấy mặt bằng để đặt cố định các viên đá tảng kê cột. Ngoài ra ngày giờ dựng cột đầu tiên, ngày giờ lợp… cũng đều phải coi cả.

c) Lễ nhập trạch, quy hỏa: Nhập trạch là dọn vào nhà mới, quy hỏa là bắt đầu đun bếp nấu ăn tại nhà mới. Nội dung là kính cáo các vị thần trong nhà, xin các vị ban phúc lành. Lễ vật cúng cũng như lễ động thổ. Ở lễ nhập trạch, sau khi cúng trước tiên chủ gia đình rước bài vị cha mẹ, ông bà đặt lên bàn thờ, sau đó các thành viên trong nhà khiêng giường chõng, đem đồ đạc vào nhà. Ở lễ quy hỏa thì khi cúng xong bà mẹ đưa kiềng vào bếp nhóm lửa, tốt nhất là củi còn đang cháy đỏ từ nhà cũ đưa tới.

d) Lễ mở hướng cổng để kính cáo các vị thần cho mở cổng theo hướng mà thầy địa lý đã chọn. Lễ cúng xin các vị ban phúc lành.

e) Lễ tân gia, hoàn công: gia chủ làm lễ cúng gia tiên rồi gác sào mực lên văng nhà. Sau đó tổ chức ăn uống, cảm ơn và trả công thợ.

 3. Kết luận

Trước Cách mạng tháng Tám và cả trong kháng chiến chống Pháp, đại bộ phận người dân ở nông thôn Nghệ An cũng như nhiều tỉnh khác đời sống còn rất thấp. Muốn làm được một ngôi nhà ở, nhất là nhà gỗ, họ phải tích góp, chuẩn bị nhiều năm. Ngoài việc mua sắm nguyên vật liệu còn phải chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm để nuôi thợ và người làm trong nhiều tháng. Việc làm nhà khó khăn, tốn kém như vậy cho nên thời đó nhà ở rất ít thay đổi, có khi đời người chỉ làm một, hai lần. Và nhiều ngôi nhà đã tồn tại đến mấy đời. Mặt khác đối với đại bộ phận gia đình nông dân ở nông thôn, nhà ở của họ cũng rất đơn giản, phần lớn là “nhà tranh vách đất”.

Ngày nay trong công cuộc đổi mới, dưới tác động của kinh tế thị trường, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nhiều nơi tốc độ đô thị hóa khá nhanh và các ngôi nhà ở nông thôn cũng đã thay đổi nhanh chóng. Trong các làng xã đã xuất hiện nhiều ngôi nhà hiện đại, cao tầng với bê tông cốt thép, mà nguyên liệu chủ yếu là gạch, táp lô, xi măng, sắt thép…, bờ tường được quét sơn công nghiệp đủ màu sắc, lợp bằng tôn hoặc các loại ngói dập. Một bộ phận các gia đình khác, chưa có đủ điều kiện kinh tế hoặc do đất ở rộng, việc lên tầng đối với họ là không cần thiết đã chọn cách làm nhà mới theo kiểu nhà Thái.

Nhờ được xây bằng gạch, táp lô, hồ vữa cát trộn xi măng lại có cả sắt thép, nhà Thái có thể xây cao với mái chảy từ 3,5 đến 4,2m mà không lo gió bão. Nhà Thái thường có cấu trúc 3 gian, mỗi gian trung bình 3m, chiều rộng tính theo gian lồi thường từ 7 đến 9m. Với kích thước như thế, diện tích nền nhà là khá rộng, lại được lát bằng gạch men nên mọi sinh hoạt của gia đình đã trở nên thuận lợi, nơi ở mát mẻ, sạch sẽ và nề nếp sinh hoạt của người dân cũng đã thay đổi theo.

Cùng với các lĩnh vực khác, sự đổi mới về nhà ở nông thôn đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống và tác phong sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên để giữ được những nét đẹp truyền thống, không phá vỡ đi kiến trúc, cấu tạo của làng quê xưa, đòi hỏi các nhà khoa học, các nhà quản lý cần có những nghiên cứu, những biện pháp quy hoạch khu vực nông thôn sao cho hợp lý vừa giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống mà vẫn mang dáng dấp của cuộc sống hiện đại để các thế hệ mai sau, qua thực tế còn biết đến văn hóa làng quê xứ Nghệ, nơi đã có lịch sử tồn tại hàng ngàn năm nay.

 Chú thích:

(1). Sự tích cái đấu được truyền lại như sau: Ngày xưa có một anh thợ mộc đang làm nhà cho một gia chủ ở gần. Trước đó các cột trụ được đặt lên văng, do tính toán không sát người thợ cắt mấy cột trụ bị ngắn đi, anh lo lắm chưa biết giải quyết thế nào, đêm nằm thao thức không ngủ được. Bà mẹ thấy thế mới hỏi nguyên do, anh thợ kể lại sự việc cho mẹ nghe. Không ngờ bà mẹ nhanh trí nói ngay: “Tại sao con không làm một mảnh gỗ khác kê lên đó?”. Anh thợ mộc mừng vô cùng, suy nghĩ suốt đêm. Ngày mai anh đưa ý định ấy trao đổi với gia chủ và nói rõ là: nếu có mảnh gỗ đỡ thì chân cột trụ sẽ được che khuất, dễ coi hơn và mảnh gỗ ấy nếu làm to hơn, trang trí như kiểu hai ba tầng sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp ngôi nhà. Từ đó cái đấu để kê cột trụ ra đời.

(2). Thước Lỗ Ban: Lỗ Ban tương truyền là ông tổ của nghề mộc. Ông tên là Ban người nước Lỗ nên người ta thường gọi là Lỗ Ban. Ông sống vào đời Xuân Thu (770 - 475 trước Công nguyên), nay thuộc tỉnh Sơn Đông và là người đã có công phát minh ra cây thước mang tên ông. Từ ngàn năm nay thợ mộc và thợ xây ở Trung Quốc và một số nước trong khu vực vẫn tôn thờ ông như một vị Tổ sư.

Trên thước Lỗ Ban có 8 cung là biến thể của đồ hình bát quái. Thay vì sắp xếp theo hình tròn, người ta lại sắp theo hàng ngang. Trong 8 cung đó có 4 cung tốt và 4 cung xấu. Trải qua hàng ngàn năm, thước đã biến hóa ra nhiều loại. Ngày nay có hai loại phổ biến là: loại dài 42,9 cm hay lấy tròn là 43 cm đi từ trái sang phải là các cung: Tài, Bệnh, Ly, Nghĩa, Quan, Kiếp, Hại, Mạng. Loại dài 51 cm (có nơi ghi 52 cm) gồm các cung: Quý Nhân, Hiểm Họa, Thiên Tai, Thiên Tài, Nhân Lộc, Cô Độc, Thiên Tặc, Tể Tướng. Trong cả hai loại, mỗi cung lại được chia thành 5 cung nhỏ. Trong xây dựng ngày nay người thợ thường dùng loại thước cuộn dài 3m hoặc 5m. Một nửa theo chiều dọc là thước mét, nửa còn lại là thước Lỗ Ban gồm nhiều thước ngắn 43 cm hay 51 cm đặt nối tiếp nhau, các cung tốt được sơn màu đỏ, cung xấu sơn màu đen.

Nguyễn Tâm Cẩn

 

 

Xem thêm

  Mã BĐS :
  Loại BĐS :
  Phường / Xã :
  Hướng :
   Khoảng giá :

   Năm sinh   
   Giới tính   
   Hướng nhà