Đề xuất cho phép Việt kiều được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước trong dự thảo mà Bộ Xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang mở ra kỳ vọng phục hồi thị trường này sau nhiều năm đóng băng.
Việt kiều tìm hiểu thông tin dự án Leman của C.T Group . Khoảng 2/3 trong tổng số khoảng 200 căn hộ nơi đây đã được bán với mức giá 4.000 - 5.000 USD/m2 - Ảnh: Đình Sơn
|
Có lợi cho thị trường
Ông Hậu, một Việt kiều từ Úc, cho biết do quy định hiện nay chưa cho phép Việt kiều kinh doanh bất động sản (BĐS) nên ông phải thông qua một đối tác VN đầu tư 2 triệu USD vào dự án Garden Bay (Nha Trang). Tuy nhiên, phía đối tác VN nhận tiền nhưng đem làm chuyện khác khiến việc kinh doanh bị đình trệ. “Nhiều người bạn của tôi ở Úc muốn gom tiền của anh em kiều bào về VN đầu tư, nhưng họ sợ hiện nay chính sách còn chưa rõ ràng, minh bạch nên chưa dám. Nên có chính sách hỗ trợ, mở rộng cửa cho kiều bào mua bán, đầu tư vào BĐS”, ông Hậu kiến nghị.
Ủng hộ mở cửa thị trường BĐS cho Việt kiều kinh doanh BĐS trong nước, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng đây là chính sách tất yếu trong quá trình hội nhập toàn cầu hóa. “Cho Việt kiều quyền được kinh doanh BĐS là điều có lợi cho thị trường lúc này. Chính sách sẽ có tác động về lâu dài chứ không phải giải pháp phá băng BĐS tức thì. Đây còn gọi là cơ chế xuất khẩu tại chỗ”, ông Võ nói.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phân tích nếu chính sách trên được ban hành sẽ tạo thêm nguồn vốn dồi dào vào BĐS VN. “Mở cửa thị trường địa ốc cho Việt kiều kinh doanh là chính sách cần làm sớm để bổ sung cho nguồn vốn BĐS trong nước thêm đa dạng và trường vốn. Cần hướng nguồn vốn này vào những phân khúc trung và cao cấp”, ông Nghĩa đánh giá.
|
|
Cho Việt kiều quyền được kinh doanh BĐS là điều có lợi cho thị trường lúc này. Chính sách sẽ có tác động về lâu dài chứ không phải giải pháp phá băng BĐS tức thì. Đây còn gọi là cơ chế xuất khẩu tại chỗ
|
|
|
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT
|
|
Khơi mạnh dòng kiều hối
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, hiện có hơn 4 triệu người Việt ở hầu hết các nước trên thế giới, tập trung đông nhất ở Mỹ, hằng năm lượng kiều hối gửi về nước trên 10 tỉ USD. Quan điểm của Đảng đã coi Việt kiều là một bộ phận không tách rời của dân tộc, nên cho Việt kiều được đầu tư như người trong nước là hợp lý. Điều này giúp Việt kiều gắn bó với quê hương và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết 2 năm nay lượng kiều hối chuyển về thành phố tăng lên đáng kể. Năm 2013 ở mức 4,85 tỉ USD, tăng 17% so với năm 2012, trong đó kiều hối chảy vào BĐS chiếm 71%. Lượng kiều hối chuyển vào BĐS năm 2013 tập trung chủ yếu vào đầu tư dự án BĐS còn dang dở, sau đó xây dựng nhà ở cho người thân... Với cơ chế cho Việt kiều được kinh doanh BĐS, tạo điều kiện cho Việt kiều đầu tư, mua nhà ở thì lượng kiều hối sẽ tăng nhiều hơn. “Trong thời gian qua, bằng hình thức thông qua người thân, bạn bè, nhiều Việt kiều chuyển tiền về nước để kinh doanh BĐS... Trong trường hợp này, khi có những tranh chấp xảy ra cũng rất khó giải quyết. Việc công nhận Việt kiều đứng tên BĐS để kinh doanh là hoàn toàn hợp lý, giúp việc đầu tư của Việt kiều thuận lợi hơn. Chính sách này sẽ tạo thuận tiện, tháo cho dòng kiều hối vào BĐS mạnh hơn trước đây”, ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, nhận xét.
Nhất trí với quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, cho rằng nguồn kiều hối vào cũng là một giải pháp giúp tiêu thụ, thêm cơ hội để giải quyết tồn đọng. Nguồn vốn này sẽ thúc đẩy giải quyết quá trình BĐS tồn đọng nhanh hơn, làm thị trường chuyển động tích cực hơn, giải quyết trì trệ hiện nay. Còn theo phân tích của tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khi mở cửa cho Việt kiều kinh doanh BĐS, ngoài thu hút được nguồn kiều hối dồi dào thì thị trường BĐS cũng tiếp nhận được những phương thức kinh doanh mới. Qua đó, sẽ tăng tính cạnh tranh đưa ra sản phẩm tốt, hạn chế được lối kinh doanh không chịu bỏ vốn ban đầu. “Cũng cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút nguốn vốn kiều hối. Nhà đầu tư sợ nhất là bị hoạnh hẹ, làm tiền. Tốt nhất nên có lực lượng tư vấn giúp nhà đầu tư tìm hiểu về thị trường, quy trình thủ tục chuyên nghiệp để giảm bớt tâm lý e ngại rót vốn về nước”, ông Liêm nói.
Tán thành nới điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà
Trong phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi luật Nhà ở chiều qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét bên cạnh những yếu tố mang tính kỹ thuật sắp xếp chưa được mấy “sáng sủa”, thì một số nội dung còn “rất tối”. “Luật đề cập đến việc phát triển nhà ở tái định cư nhưng cần phải xác định rõ tái định cư là một chính sách bao gồm cả chỗ ở, sinh sống, làm ăn. Nếu chỉ nói phát triển một cái nhà ở nhưng xung quanh không có đất sản xuất, không có trường học... thì làm sao mà tái định cư được”, Chủ tịch QH nói.
Riêng đối với quyền sở hữu nhà ở của người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại VN theo điều 153 và điều 155, Ủy ban Pháp luật tán thành định hướng mở rộng cho phép người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại VN có quyền sở hữu nhà ở nhưng đề nghị cần nghiên cứu đưa thêm một số quy định như hạn chế về số lượng nhà ở được mua trong một khu vực; hạn chế số lượng căn hộ được mua trong một tòa nhà chung cư... tránh hình thành những khu vực biệt lập hoàn toàn chỉ có người nước ngoài sinh sống, bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Thái Sơn
|
Tranh luận
Tại phiên thảo luận về dự luật Kinh doanh BĐS của Ủy ban TVQH sáng qua, còn nhiều ý kiến trái chiều về quy định cho phép Việt kiều được kinh doanh BĐS như tổ chức, cá nhân ở trong nước và mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng “không nên cho phép Việt kiều và người nước ngoài kinh doanh BĐS như các tổ chức, cá nhân ở trong nước vì cần có lộ trình phù hợp”. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng băn khoăn: “Luật mở rộng đối tượng Việt kiều, tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh BĐS, vậy có điều kiện gì để kiểm soát được những tiêu cực sẽ phát sinh khi “mở” quy định này”, và đề nghị: “Cần có biện pháp, điều kiện chặt chẽ kiểm soát được các đối tượng Việt kiều, tổ chức cá nhân nước ngoài kinh doanh BĐS ở VN. Nếu chưa kiểm soát được thì chưa nên cho phép mở rộng, nhất là khi chúng ta còn cho phép mua bán BĐS hình thành trong tương lai”.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng tán thành quy định mở rộng cho Việt kiều kinh doanh BĐS. Ông Hằng lý giải: “Điều 6 của dự luật Sửa đổi đã có quy định “khóa” (các vấn đề rủi ro - pv) rồi, trong đó nêu rõ những loại nhà, công trình không được đưa vào kinh doanh. Việc gì không mở thêm quyền cho Việt kiều được kinh doanh như tổ chức cá nhân trong nước”.
Bảo Cầm
|
Lê Quân - Đình Sơn - T.Xuân