Ngân hàng cho vay sai – Thi hành án bó tay !?
Những năm gần đây, lượng việc và tiền tồn đọng trong thi hành án dân sự có xu hướng tăng cao, đặc biệt lượng tiền ở án kinh doanh thương mại chiếm tỷ lệ lớn còn tồn đọng chưa xử lý được. Chỉ sau 6 tháng, tính từ tháng 10-2013 đến tháng 4-2014, số việc phải hoãn thi hành án lên tới 100.152 việc, tương ứng với số tiền gần 6.000 tỷ đồng. Theo số liệu của cơ quan thi hành án dân sự, số việc thi hành án giải quyết các tranh chấp tín dụng chiếm số lượng lớn với hơn 50% tổng số tiền và chiếm 40% số vụ việc và thường có tài sản bảo đảm là bất động sản. Mà thị trường bất động sản hiện nay khá ảm đạm dẫn đến việc xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án gặp khó khăn. Cơ quan thi hành án đã kê biên, ký hợp đồng bán đấu giá tài sản nhưng không có người mua, phải giảm giá nhiều lần cũng không bán được, chi phí xử lý tài sản lớn.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do thể chế quy định pháp luật chưa đầy đủ, thống nhất và đồng bộ; do tình hình thị trường bất động sản, khó khăn trong công tác thi hành án giải quyết các tranh chấp tín dụng còn đến từ sai phạm trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Dưới đây là một vụ việc điển hình cho sự bế tắc của THADS bắt nguồn từ sai phạm trong hợp đồng tín dụng mà VPLS Đồng Đội chúng tôi có tham gia với tư cách là người bảo vệ của một trong các bên.
Xuất phát từ sai phạm của ngân hàng:
Năm 2007, Ngân hàng công thương chi nhánh Tỉnh X đã ký hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay với Công ty thương mại TV (do ông Đ là đại diện pháp lý), một trong những tài sản hình thành trong tương lai được dùng để làm tài sản đảm bảo là Tòa nhà TTTM TV. Tại thời điểm ký kết hợp đồng Tòa nhà TV chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, như vậy chưa đủ điều kiện để là tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai dùng để thế chấp theo quy định của pháp luật. Tòa nhà này được xây dựng trên toàn bộ diện tích 422.8 m2 đất trong đó chỉ có 226 m2 là đất ở còn 196,8 m2 vẫn là đất trồng cây chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Như vậy, Ngân hàng công thương đã không xác minh rõ tài sản khi ký hợp đồng thế chấp dẫn đến vi phạm nghiêm trọng pháp luật về điều kiện và thủ tục thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Ngoài ra, Ngân hàng công thương chi nhánh Tỉnh X còn ký 2 hợp đồng cho vay khác với Công ty TV là 01 và 04, tổng giá trị 3 hợp đồng là hơn Bốn tỷ đồng. Do kinh tế doanh nghiệp khó khăn, TV đã không thanh toán được hợp đồng mới nhất là 04 với giá trị 1 tỷ đồng. Ngân hàng công thương Tỉnh X đã ngay lập tức khởi kiện ra tòa, yêu cầu thanh toán hợp đồng quá hạn và chấm dứt 2 hợp đồng còn lại, trong đó có hợp đồng 02. Với một khối lượng bất động sản và hàng hóa có giá trị hàng chục tỷ đồng, Doanh nghiệp TV hoàn toàn có khả năng khôi phục lại kinh tế, chi trả nợ nếu được tạo điều kiện cơ cấu lại nợ. Việc khởi kiện đã khiến TV không thể tiếp tục kinh doanh, hàng lưu kho có giá trị hàng chục tỷ đồng không có khả năng tiêu thụ, mất hoàn toàn khả năng phục hồi.
Tranh chấp kéo dài và bản án cuối cùng.
Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 12/2010, Tòa cho rằng yêu cầu trả nợ quá hạn đối với hợp đồng số 04 là hợp pháp; việc thu hồi nợ trước hạn đối với hợp đồng 01, 02 mà không cơ cấu lại nợ là đúng quy định pháp luật về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Do vậy, Tòa ra bản án với nội dung chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ngân hàng, buộc công ty TV phải thanh toán hết toàn bộ số tiền nợ của các Hợp đồng tín dụng 01, 02, 04 bao gồm nợ gốc quá hạn, nợ gốc chưa đến hạn chuyển thành quá hạn, nợ lãi và nợ lãi quá hạn, tổng là 4.5 tỷ đồng, Tòa tuyên bố xử lý tài sản đảm bảo thế chấp theo hợp đồng 01,02 để đảm bảo thi hành án.
Không đồng ý với phán quyết của Tòa án sơ thẩm, ông Đ kháng cáo, ông cho rằng hợp đồng tín dụng 01,02 là vô hiệu. Phiên tòa phúc thẩm tháng 06/2011 ra bản án không chấp nhận kháng cáo của ông Đ, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tháng 07 năm 2012, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định kháng nghị lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm. Lý do đưa ra là phát hiện sự vi phạm pháp luật trong hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 02: Tài sản hình thành từ trong tương lai là tòa nhà TV đã vi phạm các quy định pháp luật về thủ tục cấp giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền, ngân hàng chấp nhận đưa tài sản trên vào thực hiện giao dịch bảo đảm là không đúng quy định của pháp luật.
Sau đó, trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, vì nhiều lý do khác nhau, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định rút lại kháng nghị trên, bản án phúc thẩm bị đình chỉ thi hành nay khôi phục hiệu lực.
Toàn bộ quá trình tranh chấp kéo dài từ tháng 1 năm 2010 đến tháng 7 năm 2012 đã tiêu tốn của cả hai phía một khoản chi phí, công sức rất lớn.
Sai phạm liên tiếp của Thi hành án:
Sau khi Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên bản án với nội dung đồng ý với các yêu cầu của NHCT Tỉnh X, việc thi hành án đã được thực hiện, và rất nhiều những sai phạm khác của chấp hành viên thi hành án xảy ra:
Thứ nhất, tại thời điểm ra quyết định thi hành án, doanh nghiệp TV có đầy đủ điều kiện để thi hành án mà chưa bắt buộc phải dùng biện pháp kê biên tài sản. Cơ quan Thi hành án đã không để ông Đ được lựa chọn biện pháp thi hành án khác ngoài biện pháp kê biên tài sản. Như vậy là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ hai, Cơ quan thi hành án tỉnh X đã cưỡng chế kê biên tài sản bảo đảm thi hành án không tương xứng với nghĩa vụ phải thi hành án. Cưỡng chế kê biên khối lượng tài sản có giá trị hàng chục tỷ đồng bao gồm cả động sản và bất động sản để bảo đảm thi hành nghĩa vụ nghĩa vụ thanh toán bốn tỷ đồng.
Đặc biệt trong khối tài sản bị cưỡng chế kê biên có cả phần tài sản của vợ ông Đ. Cục thi hành án tỉnh X không xác minh cẩn thận tài sản, kê biên tài sản của vợ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án cho chồng khi không được sự đồng ý của vợ. Việc thực hiện không đúng các trình tự, thủ tục thi hánh án dẫn đến việc không đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bà Y (vợ ông Đ), không không hướng dẫn cho bà Y quyền yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu riêng trong khối tài sản chung, không thông báo cho người liên quan được biết về việc định giá, giảm giá tài sản kê biên, không hướng dẫn cho bà Y quyền được yêu cầu định giá lại tài sản và không ưu tiên cho bà Y quyền mua tài sản.
Thứ ba, Cục thi hành án tỉnh X đã kê biên tài sản không hợp pháp để thi hành án. Đối với tòa nhà trung tâm thương mại TV được xây trên thửa đất số 124 bị kê biên chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu cũng chưa được đăng ký làm giao dịch bảo đảm. Mặt khác tòa nhà được xây dựng trên toàn bộ diện tích 422.8 m2 đất trong đó chỉ có 226 m2 là đất ở còn 196,8 m2 vẫn là đất trồng cây chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Hơn nữa một điều hết sức vô lý ở chỗ, Cục thi hành án tỉnh X luôn cho rằng tòa nhà thương mại TV được xây trên toàn bộ diện tích đất tại thửa đất số 124, tờ bản đồ số 23, trong khi đó xác định diện tích toàn bộ thửa đất là 422,8 m2 còn diện tích 1 tầng tòa nhà là 460 m2. Như vậy rõ ràng Tòa nhà thương mại bị kê biên được xây trên cả phần đất hợp pháp và phần đất không hợp pháp, là tài sản không đủ điều kiện để thi hành án và đưa ra phát mại trên thị trường. Như vậy việc cơ quan Thi hành án kê biên tài sản được xây dựng trái phép đã vô tình dung hợp pháp hóa tài sản trái phép, tiến hành phát mại trên thị trường gây thiệt hại cho Nhà nước.
Thứ tư, việc định giá tài sản kê biên cũng có nhiều sai phạm rất nghiêm trọng: Tài sản kê biên gồm 422.8 m2 đất trong đó có 226m2 đất ở và 196,8 m2 đất trồng cây. Việc quy định giá đất đối với hai loại đất này là khác nhau, tuy nhiên Cục thi hành án tỉnh X đã đồng nhất hai loại đất và định một giá chung. Đối với tài sản là Tòa nhà TV 5 tầng, theo sơ đồ bản vẽ hiện trạng sử dụng đất thì diện tích của các tầng là khác nhau, đơn giá xây dựng của các sàn cũng khác nhau, song Cục thi hành án tỉnh X không xác minh cụ thể diện tích của từng tầng mà đồng nhất diện tích của các tầng để định giá. Như vậy cơ quan Thi hành án đã không xác định, phân loại cụ thể từng loại tài sản để định giá mà xác định qua loa, đánh đồng các loại tài sản dẫn đến việc định giá tài sản kê biên thiếu chính xác gây thiệt hại về giá trị tài sản cho gia đình ông Đ.
Bế tắc và kiến nghị giải pháp tháo gỡ từ phía luật sư:
Cho đến nay, đã hơn 3 năm từ khi bản án phúc thẩm được tuyên, gần 5 năm từ khi vụ kiện bắt đầu, thi hành án vẫn bó tay, ngân hàng không thể thu hồi được khoản nợ, còn doanh nghiệp thì điêu đứng, mất khả năng duy trì hoạt động, mất cả danh dự, uy tín.
Cơ qua thi hành án cũng tỏ ra bất lực trong việc xử lý tài sản đảm bảo, tài sản bị kê biên trong đó có Tòa nhà TV đã giảm giá bán đến ba lần, từ hơn 13 tỷ đồng xuống chỉ còn mười tỷ, thế nhưng vẫn không thể bán được, bởi lẽ, tài sản bảo đảm có phần bất hợp pháp. Có thể nói sai phạm chồng sai đã đẩy vụ việc đi đến hoàn toàn bế tắc, lợi ích của các bên đều bị tổn hại nghiêm trọng.
Xem xét vụ việc một các khách quan, VPLS Đồng Đội nhận thấy, sự bế tắc này đến từ sai phạm của các phía: ngân hàng cho vay sai, xiết nợ quá vội vàng mà không cho doanh nghiệp cơ hội; doanh nghiệp không thực hiện trả nợ đúng thời hạn, tài sản thế chấp không hợp pháp; thi hành án quá cứng nhắc, thiếu sự tìm hiểu chính xác tình hình thực tế.
Xuất phát từ cái nhìn tổng quan, xem xét đến lợi ích xã hội bị tổn hại, nhằm tìm ra một giải pháp chung hợp tình hợp lý đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên, tháo gỡ tình hình bế tắc hiện tại, VPLS Đồng đội đã kiến nghị các bên:
· Thứ nhất: Ngân hàng cần cho Công ty TV một lộ trình thanh toán chậm, trả dần thích hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp; khoản lãi nợ quá hạn là quá lớn, cần xem xét miễn cho doanh nghiệp. Bởi lẽ nếu ngân hàng không sai trong hợp đồng vay, không quá vội vàng xiết nợ, doanh nghiệp đã có thể phục hồi và hoàn trả đúng hạn các khoản vay.
· Thứ hai: Nếu cứ tiếp tục vin vào sai phạm của ngân hàng và thi hành án để không trả nợ thì công ty cũng không tránh khỏi tình trạng đóng băng tài sản như hiện tại, một lượng vốn lớn chết dần. Mà có vay thì phải có trả, điều này là tất yếu. Công ty cần thiện chí phối hợp với ngân hàng trong việc thanh toán dần các khoản nợ.
· Thứ ba: Thi hành án cần xem xét kiểm điểm lại các sai phạm của mình. Việc không đi sâu, đi sát tình hình thực tiễn, thi hành bản án một các cứng nhắc đã đẩy vụ việc đi quá xa.
Lưu Yến (yen.luu.hlu@gmail.com)