Đây là một trong 2 nội dung ràng buộc chủ đầu tư, sẽ được đưa vào dự thảo Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tháng tới nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua các dự án nhà hình thành trong tương lai (mở bán khi mới xây xong móng), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết.
Theo tiết lộ của Thứ trưởng Nam, nhằm củng cố niềm tin của người dân vào thị trường bất động sản, vào kỳ họp 20/5 tới của Quốc hội, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra thảo luận dự thảo Luật nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản. Trong đó, bổ sung thêm điều khoản để bảo vệ người dân khi nộp tiền mua các dự án bất động sản.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam. Ảnh: Người đưa tin.
Cụ thể, những dự án nhà ở hình thành trong tương lai (đã hoàn thiện móng) sắp tới sẽ có 2 ràng buộc.
Thứ nhất, trước khi bán hàng, chủ đầu tư phải có bảo lãnh hoặc bảo đảm của một tổ chức tài chính và chủ đầu tư phải trả một khoản phí để nhận được sự bảo lãnh từ tổ chức trên.
Trong trường hợp chủ đầu tư mất khả năng triển khai tiếp các dự án thì hoặc cácngân hàng sẽ tiếp tục bơm tiền cho chủ đầu tư triển khai tiếp, hoặc sẽ thu lại dự án đó giao cho các chủ đầu tư khác có năng lực tài chính để xây tiếp để đến cuối cùng giao được nhà cho người nộp tiền, hoặc tổ chức bảo lãnh sẽ trả lại tiền cho người mua.
NÊN ĐỌC
Thứ hai, trước khi tổ chức ký hợp đồng bán hàng, phải được phép của cấp có thẩm quyền. Các cấp này sẽ kiểm tra chủ đầu tư về các thủ tục Nhà nước như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, duyệt quy hoạch, giấy phép xây dựng… sao cho dự án được triển khai thông suốt, không bị đình chỉ, hoặc lúc bán xảy ra tình trạng không được cấp quyền sử dụng đất, sử dụng nhà.
“Các chế tài ràng buộc trên sẽ góp phần tạo lòng tin cho người dân trong quá trình mua sản phẩm bất động sản”, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam tin tưởng.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có hơn 4.000 dự án bất động sản còn tồn kho, đang triển khai ở các mức khác nhau. Trong số 4.000 dự án trên, 2.800 dự án đang giải phóng mặt bằng, nếu cộng thêm các dự án đang xây dựng hạ tầng dở dang là 3.200 dự án đang dở dang. Lượng tồn kho chủ yếu ở những dự án đang dở dang, chưa thành hàng hóa nên tính thanh khoản thấp.
Nói đến trường hợp đảm bảo quyền lợi của người mua phải kể đến thỏa thuận “vô tiền khoáng hậu” trên thị trường bất động sản tại dự án Usilk City.
Trong khi hàng trăm khách hàng đã đóng tiền mua nhà thì dự án 10.000 tỷ đồng của CTCP Sông Đà – Thăng Long trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) nằm đắp chiếu hơn 2 năm. Trước tình hình trên, các khách hàng dự án đã tự đảm bảo quyền lợi của mình bằng cách thay chủ đầu tư tiếp quản và quản lý dòng vốn triển khai dự án.
Cụ thể, các khách hàng này lần lượt thành lập một tài khoản cá nhân tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và ủy quyền cho BIDV hàng tuần tự động trích một phần tiền theo tỷ lệ cần phải đóng để nộp vào tài khoản chung của cộng đồng. Tài khoản chung này sẽ do 3 đại diện khách hàng và một đại diện chủ đầu tư làm chủ. Các chủ tài khoản không được quyền rút tiền mặt có trong tài khoản. Việc chuyển tiền để thực hiện dự án phải có chữ ký của các đồng chủ tài khoản.
Video liên quan: Dự thảo luật kinh doanh bất động sản